Buổi Lễ ký kết MOU và báo cáo khoa học giữa Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM và Viện Nghiên cứu Khoa học về Bảo vệ Môi trường Quảng Tây (SRAGXEP)

  • In
  • Giới thiệu

Buổi Lễ ký kết MOU và báo cáo khoa học giữa Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM và Viện Nghiên cứu Khoa học về Bảo vệ Môi trường Quảng Tây (SRAGXEP).

Ngày 23 tháng 4 năm 2025, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh (HCMUNRE) đã tổ chức lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Viện Nghiên cứu Khoa học về Bảo vệ Môi trường Quảng Tây (Scientific Research Academy of Guangxi Environmental Protection - SRAGXEP).

Hình 1 – Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi lễ ký kết, về phía Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh (HCMUNRE) có sự hiện diện của PGS.TS. Huỳnh Quyền – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Vũ Xuân Cường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS.TS. Lê Hoàng Nghiêm – Phó Hiệu trưởng; TS. Huỳnh Thiên Tài – Phụ trách Phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại cùng các Phó Trưởng phòng là TS. Lê Thị Kim Thoa và TS. Trần Thanh Tâm.

Đại diện các đơn vị chuyên môn và học thuật gồm có: PGS.TS. Lê Trung Chơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững; PGS.TS. Nguyễn Thị Vân Hà – Trưởng khoa Môi trường cùng các Phó Trưởng khoa là PGS.TS. Nguyễn Lữ Phương và TS. Thái Phương Vũ; TS. Thiềm Quốc Tuấn – Phụ trách Khoa Địa chất và Khoáng sản; TS. Cấn Thu Văn – Trưởng khoa Khí tượng, Thủy văn và Tài nguyên Nước và TS. Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Trưởng khoa; TS. Lý Cẩm Hùng – Trưởng khoa Khoa học Ứng dụng.

Về phía các đơn vị chức năng có sự tham dự của TS. Võ Thị Tuyết Mai – Phó Trưởng phòng Đào tạo; Ông Trần Văn Sơn – Trưởng phòng Tổ chức Hành chính; Ông Lê Trung Tri – Trưởng phòng Quản trị Cơ sở vật chất.

Đại diện các trung tâm trực thuộc trường gồm có ThS. Nguyễn Trọng Khanh – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên; ThS. Nguyễn Vĩnh An – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên; Ông Nguyễn Cửu Long Giang – Giám đốc Trung tâm Dữ liệu, Truyền thông và Thư viện, cùng Bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm.

Hình 2 – Đại diện Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh

Đại diện Viện Nghiên cứu Khoa học về Bảo vệ Môi trường Quảng Tây (Scientific Research Academy of Guangxi Environmental Protection – SRAGXEP) tham dự buổi làm việc gồm có: GS.TS. SUN Yangzhao – Viện trưởng; Kỹ sư cao cấp CHEN Hexiao – Giám đốc Văn phòng Hợp tác và Trao đổi Quốc tế về Bảo vệ Môi trường Quảng Tây; TS. MAO Jingying – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Không khí và Biến đổi Khí hậu, SRAGXEP; TS. ZHONG Shujun – Kỹ sư, Trung tâm Phân tích và Giám sát Môi trường, SRAGXEP; cùng với Ông GAN Chengyou – Quản lý Chương trình, Văn phòng Hợp tác và Trao đổi Quốc tế về Bảo vệ Môi trường Quảng Tây.

Hình 3 – Viện Nghiên cứu Khoa học về Bảo vệ Môi trường Quảng Tây (SRAGXEP)

Sự kiện ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh (HCMUNRE) và Viện Nghiên cứu Khoa học về Bảo vệ Môi trường Quảng Tây (SRAGXEP) không chỉ là một hoạt động đối ngoại có ý nghĩa, mà còn là bước khởi đầu quan trọng, tạo nền tảng cho sự phát triển mối quan hệ hợp tác lâu dài và toàn diện giữa hai đơn vị.

Hình 4 – Viện Nghiên cứu Khoa học về Bảo vệ Môi trường Quảng Tây (SRAGXEP)

Thông qua Biên bản ghi nhớ lần này, hai bên thống nhất tăng cường trao đổi học thuật, phối hợp triển khai các chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực liên quan đến tài nguyên và môi trường – những lĩnh vực đang ngày càng đóng vai trò chiến lược trong bối cảnh biến đổi khí hậu và phát triển bền vững toàn cầu. Việc ký kết cũng thể hiện rõ định hướng hội nhập quốc tế mạnh mẽ của Nhà trường, phù hợp với mục tiêu chiến lược trở thành cơ sở giáo dục và nghiên cứu có uy tín trong khu vực và quốc tế.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, các chuyên gia đến từ SRAGXEP đã chia sẻ nhiều nội dung nghiên cứu chuyên sâu, mang tính thời sự và ứng dụng thực tiễn cao. Cụ thể:

  • Báo cáo về quá trình xây dựng Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Sinh thái – Môi trường: Giới thiệu mô hình tổ chức, cơ sở hạ tầng nghiên cứu, các định hướng phát triển chuyên môn và kinh nghiệm xây dựng một trung tâm nghiên cứu có khả năng tích hợp giữa khoa học sinh thái, bảo vệ môi trường và ứng dụng công nghệ mới.
  • Trình bày tiến độ nghiên cứu về các chất ô nhiễm trong môi trường: Các chuyên gia đã phân tích kết quả ban đầu của các công trình nghiên cứu về mức độ ô nhiễm trong nước, không khí và đất tại một số khu vực điển hình, đồng thời đánh giá tác động tiềm ẩn đến sức khỏe cộng đồng. Các hướng tiếp cận công nghệ mới trong quan trắc, phân tích và xử lý ô nhiễm cũng được giới thiệu như một phần của nội dung hợp tác trong tương lai.
  • Trao đổi định hướng hợp tác nghiên cứu về môi trường không khí và biến đổi khí hậu: Hai bên đã cùng nhau thảo luận về các thách thức chung liên quan đến ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và các tác động liên vùng. Từ đó, bước đầu đề xuất các phương án phối hợp nghiên cứu chung, đồng tổ chức hội thảo chuyên đề, chia sẻ dữ liệu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào theo dõi, dự báo và cải thiện chất lượng môi trường.

Việc SRAGXEP chia sẻ những nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn tại buổi làm việc đã mở ra nhiều triển vọng hợp tác sâu rộng, góp phần thúc đẩy năng lực nghiên cứu của Nhà trường và nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi xanh và phát triển bền vững đang là mục tiêu ưu tiên của cả hai quốc gia.

.

Hình 5 – Tổng kết đại diện hai bên đơn vị

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu Khoa học về Bảo vệ Môi trường Quảng Tây không chỉ là một hoạt động mang tính nghi thức mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong việc định hình mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả giữa hai tổ chức.

Thông qua việc thiết lập khuôn khổ hợp tác chính thức, hai bên có thể triển khai các chương trình phối hợp nghiên cứu, chia sẻ dữ liệu, chuyển giao công nghệ và đồng tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học chuyên sâu về các lĩnh vực trọng điểm như môi trường không khí, nước, chất thải, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Đây là cơ hội để đội ngũ giảng viên, nhà khoa học và sinh viên của Nhà trường có điều kiện tiếp cận với các xu hướng nghiên cứu hiện đại, phương pháp tiếp cận tiên tiến và các công trình khoa học thực tiễn đến từ đơn vị bạn.

Như vậy, lễ ký kết này chính là bước khởi đầu thiết thực cho một mối quan hệ hợp tác toàn diện, sâu sắc và có tầm nhìn dài hạn giữa hai đơn vị, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển chiến lược của mỗi bên trong giai đoạn mới.

Đánh giá của bạn *

Nhận xét của bạn *

Họ tên *

Email *


Bài viết liên quan